5 Quy Tắc Bố Cục Chụp Ảnh Chân Dung Thường Gặp
Chụp ảnh chân dung là dạng nhiếp ảnh được sử dụng với mục đích ghi lại chân dung của một người bất kỳ. Một bức ảnh chân dung thành công sẽ vừa lột tả được vẻ bề ngoài của bộ mặt, vừa biểu hiện được thế giới nội tâm của người được chụp. Quy tắc bố cục đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên bức ảnh chân dung ấn tượng và thu hút. Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn những bố cục cơ bản trong chụp ảnh chân dung, giúp bạn có những bức hình đẹp & cuốn hút.
1. Quy Tắc 1/3 (Rule Of Thirds)
Nếu bạn đã đọc bất kỳ hướng dẫn chụp ảnh nào khác, chắc chắn bạn đã biết về Quy tắc 1/3 (Một Phần Ba). Ở mục này, Hiếu chỉ củng cố thêm sức mạnh của kỹ thuật đơn giản này. Nói một cách đơn giản, quy tắc 1/3 liên quan đến việc đóng khung bức ảnh để chủ thể của bạn nằm dọc theo các đường của một lưới 3 x 3.
Bằng cách thực hiện việc này, đặc biệt là bằng cách đặt các điểm nhấn tại các giao điểm của các đường này, sẽ giúp tạo ra một bức ảnh mạnh mẽ hơn. Lý do nó hoạt động là vì nó dựa trên cách mắt và tâm trí của bạn “đọc” hình ảnh một cách tự nhiên.
Bạn thoải mái chọn góc máy phù hợp từ khuôn mặt đến toàn thân vào các điểm giao nhau, miễn bạn thấy đẹp. Không nên khiên cưỡng và áp đặt khiến bức hình trở nên mất cân bằng như bức ảnh minh hoa bên dưới:
Hãy tự nhiên và phù hợp bức hình nhất có thể trong góc chụp. Bức hình cho thấy người chụp ảnh đã lấy mặt đất quá nhiều
2. Độ Sâu Trường Ảnh
Đây là 1 cách sử dụng khẩu độ để kiểm soát độ sâu trường ảnh, làm nổi bật chủ thể và làm mờ hậu cảnh, dân Việt còn gọi là “ảnh xoá phông”. Việc tận dụng ống kính và khoảng cách giữa chủ thể, máy ảnh và hậu cảnh giúp người nhìn tập trung chủ thể một cách tối đa nhất. Để ảnh xoá phông càng rõ ràng và nổi bật chủ thể hơn, bạn có thể tận dụng 1 hoặc tất cả 2 cách dưới đây:
- Ống Kính: Việc tận dụng lợi thế về công cụ khiến bức ảnh của bạn xoá dễ dàng hơn. Hãy sử dụng ống tele trong máy ảnh hoặc điện thoại đời mới như Iphone 11,12,13,14 Pro max hoặc các dòng máy điện thoại Samsung mới nhất để bạn tạo độ sâu trường ảnh tốt hơn.
- Khoảng Cách: Nếu bạn không thể tối ưu bằng ống kính, hãy sử dụng khoảng cách bằng cách: hạn chế các vật thể đứng đằng sau và quá gần với chủ thể, điều này khiến bức hình của bạn không xoá phông một cách rõ ràng hơn, nó chỉ làm cho hình của bạn mờ hơn một chút. Để ảnh xoá càng nhuyễn hơn, bạn hãy cố gắng sắp xếp vật thể đằng sau càng gần đường chân trời càng tốt.
Dưới đây là hình hướng dẫn mà Hiếu thiết kế cho bạn dễ dàng hình dung:
Trường hợp bạn có thể kết hợp ống kính và khoảng cách, các vật thể xoá nhuyễn hơn rất nhiều. Bạn hãy nhớ rằng: chúng ta chỉ xoá phông khi muốn tập trung chủ thể hoặc không thể tận dụng background (hậu cảnh) làm nền một cách nổi bật cho chủ thể. Bên dưới là hình ảnh xoá phông tận dụng ống kính tele canon tiêu cự 70-200mm và khoảng cách, giúp bức ảnh có độ sâu trường ảnh nhất có thể.
3. Quy Tắc Tạo Đường Dẫn
Quy tắc Tạo Đường Dẫn là một kỹ thuật bố cục nhiếp ảnh sử dụng các đường kẻ trong khung hình để dẫn dắt mắt người xem đến chủ thể chính của bức ảnh. Các đường dẫn này có thể là bất kỳ thứ gì, từ đường chân trời, con đường, đến hàng cây, hay thậm chí là bóng đổ.
Có một số loại đường dẫn phổ biến trong nhiếp ảnh:
- Đường thẳng: Đây là loại đường dẫn đơn giản và dễ nhận biết nhất. Các đường thẳng có thể dẫn dắt mắt người xem đến chủ thể ở bất kỳ vị trí nào trong khung hình.
- Đường cong: Các đường cong tạo cảm giác mềm mại và uyển chuyển hơn so với đường thẳng. Chúng có thể dẫn dắt mắt người xem theo một cách tự nhiên và thú vị hơn.
- Đường chéo: Các đường chéo tạo cảm giác năng động và chuyển động. Chúng có thể dẫn dắt mắt người xem đến chủ thể một cách nhanh chóng và thu hút sự chú ý.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số mẹo sau để sử dụng Quy tắc Tạo Đường Dẫn hiệu quả:
- Sử dụng các yếu tố tự nhiên: Các yếu tố tự nhiên như đường chân trời, con sông, hay hàng cây có thể tạo ra những đường dẫn tuyệt vời.
- Sử dụng các đường nhân tạo: Các đường nhân tạo như đường ray xe lửa, cầu đường, hay hàng rào cũng có thể tạo ra những đường dẫn hiệu quả.
- Sử dụng bóng đổ: Bóng đổ có thể tạo ra những đường dẫn mạnh mẽ và ấn tượng.
4. Bố Cục Ảnh Đối Xứng
Bố cục ảnh đối xứng là kỹ thuật sắp xếp các yếu tố trong ảnh sao cho hai bên của ảnh cân bằng nhau. Bố cục này có thể tạo ra cảm giác hài hòa, tĩnh lặng và trang trọng cho bức ảnh hoặc thể hiện sự đối lập hai bên. Có hai loại bố cục ảnh đối xứng chính:
1. Đối xứng dạng gương:
Bố cục này chia ảnh thành hai phần bằng nhau, với các yếu tố ở hai bên được phản chiếu qua một đường hoặc trục ở giữa, thể hiện sự ngăn cách.
Nếu bạn có xem phim Mai của Trấn Thành làm đạo diễn, Trấn Thành thường xuyên áp dụng bố cục này, phân cảnh Mai và mẹ của Trùng Dương tại nhà thờ sẽ diễn tả rõ rệt nhất. Bạn sẽ thấy ý đồ rõ ràng của đạo diễn khi sử dụng bố cục đối xứng trong phân cảnh này, việc sử dụng này thể hiện rõ 2 tính cách, suy nghĩ đối lập của 2 nhân vật.
Dưới đây là một hình ảnh trailer trong phim Mai cũng đang áp dụng, cách sử dụng bố cục đối xứng thể hiện ý định của đạo diễn: 2 lối sống, 2 tính cách, 2 giới tính, 2 thế hệ của hai nhân vật chính trong phim:
2. Đối xứng tâm điểm:
Bố cục này có một điểm trung tâm, với các yếu tố được sắp xếp xung quanh điểm đó, tạo ra cảm giác cân bằng, hài hòa và thu hút sự chú ý của người xem vào điểm trung tâm của bức ảnh.
Khi sử dụng bố cục ảnh đối xứng, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Đảm bảo sự cân bằng: Hai bên của ảnh phải được cân bằng về trọng lượng và hình khối.
- Chú ý đến điểm nhấn: Bố cục đối xứng thường có một điểm nhấn chính, đó là điểm thu hút sự chú ý của người xem.
- Tránh sự đơn điệu: Bố cục đối xứng có thể trở nên đơn điệu nếu bạn không sử dụng các yếu tố khác nhau để tạo sự đa dạng cho ảnh.
5. Bố Cục Đóng Khung
Đây là một kỹ thuật bố cục trong nhiếp ảnh sử dụng một khung tự nhiên hoặc nhân tạo để bao quanh chủ thể chính của bức ảnh. Kỹ thuật này giúp thu hút sự chú ý của người xem vào chủ thể, tạo ra chiều sâu cho bức ảnh và mang đến cảm giác bí ẩn hoặc tò mò.
Có hai loại Bố Cục Đóng Khung chính:
- Khung tự nhiên: Sử dụng các yếu tố tự nhiên như cành cây, tán lá, cửa sổ, hoặc mỏm đá như hình bên dưới để tạo khung cho chủ thể.
- Khung nhân tạo: Sử dụng các yếu tố do con người tạo ra như khung cửa, cổng vòm, hoặc cầu thang để tạo khung cho chủ thể. Bên dưới là hình ảnh chụp kiểu đóng khung nhân tạo
6. Các Câu Hỏi Thường Gặp Khi Áp Quy Tắc Bố Cục Trong Ảnh Chân Dung
A. Có Nên Áp Nhiều Bố Cục Vào Một Bức Ảnh Không?
Câu trả lời: Được, bạn có thể áp nhiều bố cục vào một bức ảnh. Lưu ý, có vài bố cục sẽ hỗ trợ nhau và 1 số sẽ tương khắc. Ví dụ: Bạn vẫn có thể áp dụng ảnh xoá phông kết hợp quy tắc 1/3 và đường dẫn, nhưng bạn không thể áp quy tắc 1/3 với bố cục đối xứng tâm điểm. Bạn hãy cân nhắc và sử dụng cho phù hợp.
B. Tôi Thường Nghe Câu “Đi Tìm Góc Chụp”, Vậy Tìm Góc Chụp Là Như Thế Nào?
Câu trả lời: “Đi tìm góc chụp” là câu cửa miệng từ các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Thông thường, các nhiếp ảnh gia tìm nơi chụp hình dựa trên các bố cục: đường dẫn, đóng khung, đối xứng. Ngoài ra, nếu địa điểm là nơi vắng vẻ, bạn không thể tìm ra những bố cục nêu trên thì các nhiếp ảnh gia áp dụng quy tắc chụp ảnh xoá phông (tạo độ sâu trường ảnh) để bức ảnh đẹp hơn.
C. Có Cách Nào Để Tôi Dễ Dàng Nhìn Bố Cục Hơn Không?
Câu trả lời: Bạn nên cố gắng quan sát nhiều hơn khi đi ra đường hoặc ở trong phòng. Hãy bắt đầu nhìn các thứ đơn giản như: khung cửa sổ, tivi, tủ kính hoặc cầu thang và liên tưởng nó có thể giúp bạn áp dụng vào tấm ảnh nào, từ đó, bạn quan sát nâng cao hơn bằng cách nhìn các bóng chiếu đổ xuống sàn, tường nhà. Sau khoảng thời gian thành thục, bạn cố gắng đưa ý định và suy nghĩ của mình để bức hình có thể thay lời muốn nói.
Hy vọng qua bài viết này, Hiếu dễ dàng giúp bạn có thể trở nên thành thạo hơn khi sử dụng bố cục trong nhiếp ảnh.
Bài viết có sử dụng các hình ảnh được chụp bởi Bảo Zoan, anh là một trong những nhiếp ảnh gia hàng đầu tại Việt Nam về việc ứng dụng bố cục vào nhiếp ảnh. Sau khi đọc bài viết này và bạn cảm thấy hứng thú bộ môn nhiếp ảnh, hãy follow anh chàng để tìm hiểu những bức hình huyền ảo của Bảo nhé.
Sorry, the comment form is closed at this time.
Pingback: 200++ Cách Tạo Dáng Chụp Ảnh Chân Dung Đẹp Cho Nữ